MĂNG CUỐN NHỒI THỊT
Sự hòa cùng của vị ngọt, đắng của măng kết hợp với vị béo của thịt và mùi thơm nhẹ từ rau răm hòa quyện vào nhau là đặc trưng của món măng cuốn nhồi thịt.
Để làm món này không khó, nhưng quan trọng là phải tìm được nguyên liệu măng vầu. Ở Hà Giang, măng vầu còn được gọi là măng đắng, được hái vào khoảng tháng Chạp âm lịch vì khi ấy sẽ dễ chọn được những đọt măng non. Măng hái đầu mùa bao giờ cũng ngon hơn cuối mùa, từ hương vị đến độ giòn.
Măng mang về trước tiên sẽ được luộc chín, có nhà kỹ tính còn luộc 2-3 lần, ngâm muối để giảm bớt độ chua và mùi nồng của măng. Sau khi luộc thì vớt măng ra để nguội và đem cuốn. Tiếp đến là công đoạn làm phần nhân. Nhân của món này được làm bằng thịt gà được băm nhuyễn trộn với trứng, hành, rau răm và hạt tiêu. Bạn chỉ việc xúc nhân đổ lên lớp măng, cuốn đều tay cho chặt rồi cho vào nồi hấp. Đến khi măng mềm và chín là có thể lấy ra. Vị hơi ngọt pha với chút đắng của măng vầu kết hợp với thịt gà nhuyễn, béo, mùi thơm của ra răm tạo nên món ăn nhẹ nhàng nhưng khá ấn tượng.
Ngoài nguyên liệu thịt gà, nhiều người còn sử dụng thịt lợn, nhưng chọn loại thịt ba chỉ vừa nạc vừa mỡ để tăng thêm vị ngon. Thịt cũng được trộn với trứng và rau răm, khi nêm nếm không để nhân quá mặn vì như vậy khi cuốn lớp măng sẽ làm măng nhờn nhợn đắng. Công đoạn cuối cùng là làm nước chấm. Bởi lẽ nước chấm cũng góp phần tạo nên linh hồn cho món ăn.gày trước người dân thường nấu nước mẻ, cho khoảng ba thìa mẻ vào chảo rán thật vàng rồi cho nước, gia vị vào là có chén nước chấm mang vị chua chua và thơm. Tuy nhiên bây giờ nhiều người dùng nước chấm tỏi ớt cho nhanh gọn.
Món ăn này là một trong những món ăn đặc sản tạo nên hương vị rất riêng của người Hà giang, và đây cũng chính là món ăn phổ biến của người Hà Giang vào dịp Tết dùng để đãi khách quý…Chỉ cần một đĩa măng cuốn, cơm nếp chín và rổ rau cải non làm rau ghém là mâm cơm đã được xem là thịnh soạn.
CHÁO ẤU TẨU HÀ GIANG
Cháo Ấu Tẩu từ lâu được xem là đặc sản của Hà Giang, người dân trong vùng gọi đây là “cháo độc dược” hay “cháo chết người”.
Cháo Ấu tẩu có bị béo ngậy, thơm, cay và đặc biệt là vị đắng, vị đặc trưng của củ ấu tẩu. Khi mới ăn sẽ cảm thấy một vị đắng bùi, khó nuốt nhưng chỉ vài ba thìa đã thấy ngọt miệng, ăn nhiều còn có thể sinh nghiện. Bát cháo ấu tẩu abn đầu chỉ được biết đến như món cháo giải cảm của đồng bào dân tộc Mông. Sau này, người dân Hà Giang thêm một số gia vị, phụ gia khác, nấu thành món cháo “đặc sản” của xứ sở mờ sương, món ngon miệng lạ lùng.
Cách nấu cháo ấu tẩu rất công phu. Củ ấu tẩu sau khi ngâm kỹ trong nước vo gạo đặc một đêm rồi đem hầm trong vòng 4 tiếng. Gạo nếp cái hoa vàng được trộn với gạo tẻ thơm nấu nhuyễn trong nước hầm xương chân giò và bột củ ấu. Thêm chút thịt nạc băm nhỏ, chút gia vị. Cháo khi ăn có vị đắng nên nhiều người gọi là cháo đắng. Nguyên liệu rất đơn giản nhưng khi qua bàn bàn tay chế biến của đồng bào nơi đây thì nó đã trở thành món ăn vô cùng độc đáo và thơm ngon, bùi ngậy, ăn rất ngon và no lâu.
Rất nhiều người khi đến với Hà Giang, nếu đã được thưởng thức một lần rồi sẽ tìm đến để ăn lại. Cháo ấu tẩu không chỉ là món ăn đơn thuần, mà còn là vị thuốc bổ giải cảm. Buổi tối se lạnh ở miền núi được ngồi trong không gian hàng quán ấm áp bếp hồng và thưởng thức món cháo ấu tẩu, cháo đắng Hà Giang cũng là một sự thích thú trong lối ăn chơi cho những người yêu thích khám phá điều mới lạ.
MẬT ONG BẠC HÀ ĐỒNG VĂN
Mật ong bạc hà Đồng Văn có vị ngọt đậm đà khác hẳn các vùng khác, chúng êm dịu, thơm ngon, bổ dưỡng và nhất là có mùi hương đặc biệt. Sản phẩm do chính tay người dân vùng cao nguyên đá làm ra, họ cất công chăm sóc ong rồi thu hoạch lấy mật, làm lên những giọt mật tinh túy đặc trưng của vùng núi đá.
Cứ tới độ tháng 9 tới tháng 12 âm lịch, khi mà những bông hoa bạc hà nở rộ một màu khắp các nương đồi, sườn núi, cao nguyên đá lúc này lại thu hút những bầy ong đua nhau đi lấy mật về tổ. Cây bạc hà có màu tím hồng đã thu hút những bầy ong đến lấy mật để rồi bay về tổ cho ra những giọt mật thật ngon, thật quý.Những người Mông ở cao nguyên đá, họ đã vận dụng việc ong đến những đám bạc hà hút mật vào việc nuôi ong của mình bằng cách, họ trồng hoa ngay ở khu vực xung quanh nhà mình để chúng hút ra mật nhanh nhất. Chính bởi làm theo phương thức truyền thống nên số lượng mật ong bạc hà mỗi năm rất ít. Với số lượng ít nên mật ong bạc hà rất ít, thường là nhiều du khách đến Hà Giang mua về làm quà biếu hoặc là để dùng.
Nếu có dịp tới Hà Giang, mà nhất là đến vùng đất nuôi ong nổi tiếng Đồng Văn, du khách sẽ có cơ hội chứng kiến họ làm việc cũng như mua được những can mật ong ngon, rẻ và chính gốc.
RÊU NƯỚNG MÓN ĂN LẠ LÙNG Ở HÀ GIANG
Rêu đá được coi là một loại thủy sinh không nhiều tác dụng nhưng đối với người dân tộc Tày ở xã Xuân Giang tỉnh Hà Giang thì rêu đá được coi là đặc sản ẩm thực của họ. Các món ăn được chế biến từ rêu đá còn được gọi là quẹ. Đây là một món ăn vừa ngon, vừa bổ, lại có hương vị rất riêng.
Khi đi tìm rêu, họ thường chọn bãi rêu lớn, bởi ở đó rêu vừa nhiều, vừa ngon. Rêu tươi đem về được vò đập thật kỹ cho sạch nhớt phù sa, sau đó có thể chế biến thành nhiều món. Như món rêu rán, rêu khô nhưng độc đáo nhất vẫn là món trộn với các loại gia vị: xả, mùi tàu, lá dăm, lá hẹ và có thể cho 1-2 hạt dổi vào cho thơm cùng với muối, mì chính. Sau khi đập xong hết thì sẽ cho vào trộn lên, tiếp đến cho vào lá gói rồi gắp lên nướng trên than bếp.
Rêu nướng không chỉ là món ăn được đồng bào dân tộc ưa thích mà còn có khả năng chữa nhiều bệnh, giúp lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt, ổn định huyết áp và tăng sức đề kháng.
CHÈ SHAN TUYẾT
Chè Shan Tuyết là loại cây thân gỗ cổ thụ, thân to và lá chè mọc theo từng chùm trên cành. Không giống như chè khác ở Thái Nguyên hay Tuyên Quang chỉ là cây nhỏ thấp vừa tầm với còn người dân làm chè Shan Tuyết đều phải trèo lên thây câu cao hoặc với lên những cây quá người để thu hoạch. Loại chè này còn có cây cổ thụ đến 100 tuổi, vài trăm tuổi.
Quy trình chế biến chè của HTX Shan Tuyết Lũng Phìn cũng thật lắm nhiêu khê. Nguyên liệu chè Lũng Phìn được thu hoạch vào những ngày trời không mưa. Tiêu chuẩn hái 1 tôm + 2 lá non, không có búp mù xòe. Trong quá trình thu hái, vận chuyển và bảo quản không để chè búp tươi bị dập, ôi ngốt. Sau đó tiến hành diệt men triệt để bằng thùng quay chế tạo bằng inox không gỉ. Cho chè tươi vào quay đều liên tục (khoảng 8-10 phút) đến khi chè chín đều thì đổ ra rải mỏng cho nguội. Sau khi diệt men và để cho chè nguội tiến hành vò chè, vò chè làm 2 công đoan. Cho chè đã diệt men vào túi vải rồi vò bằng tay trong thời gian 2-5 phút. Sau đó cho chè vào cối để vò, thời gian vò 13-15 phút. Sau khi vò cho chè ra nia rũ tơi và sao lăn đến khô. Sau khi hoàn thành công đoạn chế biến trực tiếp, chè búp được bảo quản theo phương pháp bao kín, để nơi khô giáo, không có ánh sáng trực tiếp và được đóng gói, hút chân không và đưa ra thị trường tiêu thụ.
Người Dao ở Phìn Hồ coi cây trà là báu vật mà thiên nhiên ban tặng, cũng là tài sản vô giá được các gia đình truyền từ đời này qua đời khác. Cây trà shan tuyết là một biểu tượng văn hóa tinh thần, đồng thời cũng là nguồn thu nhập chủ yếu của họ trong những năm gần đây. Uống trà hàng ngày đã trở thành một nghi thức và thói quen không thể thiếu đối với người Dao ở Phìn Hồ.
Thu Hiên(St)
>>>Xem thêm Tour Du lịch Hà Giang 4 ngày 3 đêm hấp dẫn
>>> Xem thêm Tour Du lịch Hà Giang 3 ngày 2 đêm hấp dẫn