Tên gọi chùa Bái Đính mang ý nghĩa là hướng về núi Đính. Nơi đây đã diễn ra rất nhiều các sự kiện oai hùng trong lịch sử Việt Nam. Núi chùa Bái Đính chính là nơi Đinh Tiên Hoàng Đế lập đàn tế trời cầu mưa thuận gió hòa, sau này tiếp tục được vua Quang Trung chọn để làm lễ tế cờ động viên quân sĩ trước khi ra Thăng Long đại phá quân Thanh. Thế kỷ XVI núi Đính là địa bàn tranh chấp giữa 2 tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh với nhà Mạc, khi mà chính quyền nhà Mạc chỉ kiểm soát được vùng lãnh thổ từ Ninh Bình trở ra. Núi chùa Bái Đính cũng là một di tích cách mạng thuộc chiến khu Quỳnh Lưu, nơi lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam tuyên truyền cách mạng tới nhân dân.
Quần thể chùa Bái Đính gồm một khu chùa cổ và một khu chùa mới được xây dựng từ năm 2003. Chùa nằm trên sườn núi, giữa những thung lũng mênh mông hồ và núi đá, ở cửa ngõ phía tây vào cố đô Hoa Lư. Ngay cả khi đang xây dựng, du lịch Bái Đính đã thu hút rất đông du khách về tham quan.
Khu chùa Bái Đính mới được các báo giới tôn vinh là một quần thể chùa lớn nhất Châu Á và khu vực.
Sau đây là những kỷ lục của chùa Bái Đính được xác lập bao gồm:
1. Tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á: Tượng đồng 100 tấn ở trong điện Pháp Chủ
2. Tượng Phật Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á: tượng Phật Di lặc 100 tấn ngoài trời.
3. Chuông đồng lớn nhất Việt Nam: Đại hồng chung nặng 36 tấn trong Tháp Chuông.
4. Khu chùa rộng nhất Việt Nam: tổng 539 ha (riêng chùa cổ 27 ha, chùa mới 80 ha)
5. Khu chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á: hành lang La Hán dài gần 3 km.
6. Khu chùa có nhiều tượng La Hán nhất Việt Nam: 500 vị bằng đá xanh cao khoảng 2m.
7. Khu chùa có giếng ngọc lớn nhất Việt Nam.
8. Khu chùa có số cây bồ đề nhiều nhất Việt Nam: 100 cây bồ đề được chiết từ cây bồ đề Ấn Độ