>>>> Du Lịch Sapa Khám phá Lễ hội
>>>> Du lịch SaPa tìm hiểu các dân tộc thiểu số
Nhân dịp đầu xuân năm mới khắp mọi miền trên đất nước Việt sôi nổi trong không khí tưng bừng của các lễ hội và cũng trong tháng này xã Bản Khoang đã long trọng tổ chức lễ hội Cấp Sắc của người dân tộc Dao đỏ. Lễ hội là một phong tục độc đáo và là một trong những lễ nghi không thể thiếu dành cho người trưởng thành và được lưu truyền hàng ngàn đời nay qua nhiều thế hệ trong cộng đồng dân tộc Dao đỏ ở Sapa vẫn không làm mất đi nét đẹp văn hóa này.
Năm nay Lễ cấp sắc của dân tộc Dao Đỏ được Ban tổ chức tại xã Bản Khoang và được tổ chức vào ngày 18 tháng 2 (tức ngày 11 tháng 1 âm lịch) đây cũng là lần đâu tiên xã Bản Khoang đứng ra để tổ chức một lễ hội, nhằm giới thiệu và quảng bá một nét văn hóa đặc sắc của người dân tộc Dao Đỏ ở du lịch Sa Pa đến với du khách gần xa. Do vậy ngay từ sáng mọi nẻo đường của xã Bản Khoang đều đổ về Thôn Can Hồ B của xã, do làm tốt công tác quảng bá nên đã đã có rất đông khách du lịch và người dân đều đến tham gia hội. Lễ cấp sắc là nghi lễ độc đáo và được lưu truyền hàng ngàn đời nay trong cộng đồng người dân tộc Dao đỏ ở Lào Cai. Người Dao quan niệm, lễ cấp sắc là một thủ tục không thể thiếu đối với người đàn ông. Chỉ những người được cấp sắc mới được coi là người đàn ông đã trưởng thành. Thông qua Lễ cấp sắc này, người đàn ông dân tộc Dao sẽ được giáo dục, rèn luyện về nhiều mặt để làm trụ cột của gia đình, dòng họ và cộng đồng.
Lễ cấp sắc của người Dao đỏ ở Sa Pa, có nhiều cấp bậc. Mỗi cấp bậc phản ánh một trình độ khác nhau của các trò được cấp sắc, cấp sắc 3 đèn là thầy nhỏ nhất, cấp sắc 7 đèn làm thầy vừa phải, cấp sắc 12 đèn là cấp sắc cao nhất trong cấp độ làm thầy. Trong quá trình cấp sắc 12 đèn của người Dao đỏ, các thầy chính (có 3 thầy) sẽ cấp giao thêm quân âm binh cho các trò nam từ 120 quân âm binh, lên thành 180 quân âm binh, để các trò sau này đi đâu, làm gì không phải sợ vì có quyền điều hành binh mã. Tuy nhiên, giữa các dòng họ người Dao đỏ cũng có những tập quán, những quy định riêng, vì thế không phải tất cả các họ người Dao đỏ ở đây cũng phải cấp sắc 12 đèn như họ Phàn (tức là họ Phàn - họ tổ của người Dao). Người được cấp sắc phải trải qua một quá trình tự học, rèn luyện và tu dưỡng đạo đức, họ phải học thông thạo các nghi lễ kiêng kỵ, các nghi thức, thủ tục hành lễ cũng như các bài cúng ghi trong sách Nôm Dao.
Sau phần lễ là phần hội, nhiều điệu múa cổ truyền dân gian được trình diễn, thể hiện sự tự do hòa nhịp với các nhạc cụ thanh la, não bạt, trống, chuông lắc,với nhiều chủ đề khác nhau về lịch sử, cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, diễn tả về việc làm nương, tra hạt, làm nhà. Những động tác uyển chuyển, thuần thục của các nghệ nhân khiến cho du khách cảm thấy rất thích thú. Du khách Hà Quốc Tấn đến từ Đà Nẵng chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên được đến với lễ hội Cấp sắc, tôi cảm thấy rất hào hứng và thú vị khi được xem một nghi lễ cấp sắc những người đàn ông trưởng thành, hy vọng rằng nghi lễ này sẽ luôn được giữ vững và được lưu truyền cho con cháu chúng ta thời sau, trong những năm sau tôi mong muốn sẽ quay trở lại nơi đây để tìm hiểu kĩ hơn về lễ hội Cấp sắc này”.
Kết thúc lễ cấp sắc, thầy sẽ làm lễ tạ ơn tổ tiên, sư phụ đã ủng hộ các thầy làm lễ cấp sắc đạt kết quả tốt, đồng thời lấy bánh trong buổi lễ cấp sắc cho mọi người cùng ăn, thưởng thức, chia vui với người được cấp sắc. Từ đây, chàng trai thụ lễ cấp sắc 12 đèn đã được coi như một người đàn ông trưởng thành hoàn toàn về thể chất cũng như tâm linh. Đây là một nét văn hóa đặc sắc cần được bảo tồn, phát huy và gìn giữ, cũng như cần được đưa vào tổ chức thường xuyên tại các Lễ hội để quảng bá và thu hút du khách đến với Sa Pa ngày một đông hơn.
Một số hình ảnh lễ hội:
Hồng Hải/laocai.gov.vn
Xem thêm: du lịch sapa 2 ngày 3 đêm