Tự do tôn giáo được Hiến pháp Hàn Quốc đảm bảo. Theo số liệu thống kê của một cuộc khảo sát xã hội năm 1995, 50, 7% người Hàn Quốc theo một tôn giáo cụ thể. Số người theo đạo Phật chiếm 46%, tiếp theo là đạo Tin lành với 39%, và số người theo đạo Thiên chúa chiếm 13% tổng số người theo đạo.
Theo dòng lịch sử tôn giáo Hàn Quốc
Đạo Shaman
Đạo Shaman là tôn giáo nguyên thuỷ chưa có tính hệ thống nhưng lại thấm sâu vào đời sống hàng ngày của người dân Hàn Quốc qua các câu chuyện dân gian và phong tục tập quán. Vào Thời kỳ đồ đá mới ở Hàn Quốc, con người có lòng tin vào thuyết vật linh cho rằng mọi vật thể trên trái đất đều có linh hồn.
Shaman - pháp sư, trong tiếng Hàn Quốc là Mudang, là người có khả năng kết nối sự sống với thế giới tâm linh nơi người chết an nghỉ. Pháp sư được xem như có khả năng ngăn ngừa cái xấu, chữa lành bệnh tật và đảm bảo mang những thông điệp tốt lành từ thế giới này sang thế giới bên kia. Pháp sư cũng là người có thể giải quyết mọi xung đột hay căng thẳng giữa sự sống và cái chết.
Đạo Shaman dần dần đã nhường chỗ cho Đạo Khổng và đạo Phật, và hai tôn giáo này đã trở thành công cụ cai trị nhân dân nhưng sự ảnh hưởng của nó vẫn còn tác động lâu dài.
Phật giáo
Đạo Phật là một tôn giáo có triết lý kỷ luật cao, nhấn mạnh vào sự cứu rỗi của bản thân mỗi người thông qua việc tái sinh trong vòng luân hồi bất tận của sự đầu thai.
Đạo Phật do một nhà sư tên là Sundo đến từ triều Tiền Tần Trung Quốc du nhập vào Hàn Quốc năm 372 sau CN - thời kỳ vương quốc Goguryeo. Năm 384, nhà sư Malananda đã đưa đạo Phật vào Baekje từ bang Đông Tấn Trung Quốc. Ở vương quốc Silla, nhà sư Ado từ vương quốc Goguryeo đã truyền bá đạo Phật vào khoảng giữa thế kỷ 15. Đạo Phật dường như được giai cấp thống trị của cả ba vương quốc ủng hộ vì nó là chỗ dựa tinh thần phù hợp với cơ cấu thống trị thời bấy giờ với Đức Phật là biểu tượng thờ cúng duy nhất giống như vua là người nắm quyền hành duy nhất.
Dưới sự bảo trợ của hoàng tộc, nhiều chùa và miếu thờ được dựng lên, số lượng tín đồ Phật giáo không ngừng tăng nhanh. Vào thế kỷ thứ sáu, các nhà sư và các thợ thủ công di cư sang Nhật Bản với các cuốn kinh và vật thờ đã hình thành cơ sở của nền văn hoá Phật giáo ở Nhật.
Vào thời kỳ Silla thống nhất các vương quốc trên bán đảo Triều Tiên năm 668, vương quốc này đã đưa đạo Phật trở thành quốc đạo, mặc dù hệ thống chính quyền vẫn theo cơ cấu đạo Khổng. Sự ưu đãi của Hoàng tộc đối với Đạo Phật trong giai đoạn này đã tạo nên sự bùng nổ các tác phẩm nghệ thuật mang tư tưởng Phật giáo cũng như các kiến trúc đền chùa, trong đó có Đền Bulguksa, cùng các miếu thờ khác ở Geyongju, thành đô của vương quốc Silla. Sự tôn sùng của Nhà nước đối với đạo Phật bắt đầu suy thoái vì giới quý tộc đắm chìm trong những thói vui chơi của cuộc sống xa xỉ. Đạo Phật lúc đó hình thành nên môn phái Seon (trong tiếng Nhật là "zen" có nghĩa là thiền) để tập trung vào tìm kiếm sự thật của vũ trụ thông qua cuộc sống đạm bạc.
Những người cai trị kế vị triều đại Goryeo thậm chí còn nhiệt tình hơn trong việc ủng hộ tôn giáo. Trong suốt thời kỳ Goryeo, nghệ thuật và kiến trúc mang phong cách Phật giáo tiếp tục phát triển với sự hỗ trợ của các tầng lớp thượng lưu. Tripitaka Koreana được sinh ra trong thời kỳ này. Khi Yi Seong- gye, người sáng lập ra triều đại Joseon, khởi xướng cuộc nổi dậy và tự tuyên bố lên ngôi vua năm 1392, ông đã cố gắng loại bỏ mọi ảnh hưởng của Phật giáo ra khỏi chính quyền cai trị và đưa đạo Khổng trở lại như những nguyên tắc chỉ đạo cho việc cai trị đất nước và những nền tảng đạo đức. Trong suốt năm thế kỉ trị vì của triều đại Joseon, bất kì nỗ lực nào nhằm làm sống lại Đạo Phật đều bị coi là chống lại các học giả và quan lại theo đạo Khổng.
Khi Nhật Bản dùng bạo lực quân sự để lật đổ Joseon, đặt vào đó chế độ cai trị thực dân năm 1910, Yi Seong- gye đã cố gắng đồng hoá các trường phái đạo Phật ở Hàn Quốc với các trường phái đạo Phật ở Nhật Bản. Mặc dù vậy, ông đã không thành công, và thậm chí còn làm sống dậy niềm tin ở những người Hàn Quốc theo đạo Phật. Những thập kỷ trước có thể xem như thời kỳ phục hưng của đạo Phật và đã có những nỗ lực để thích ứng với sự thay đổi xã hội hiện đại. Đa số các nhà sư đều ở lại trong vùng núi để tu hành, đắm mình trong giáo luật tự giác và thiền, một số khác đi đến các thành phố để truyền đạo. Có rất nhiều nhà sư đi theo con đường nghiên cứu học thuật về tôn giáo ở các trường đại học trong và ngoài Hàn Quốc. Đạo Phật Hàn Quốc có xu hướng Seon (thiền định) đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều phật tử trong đó có nhiều người nước ngoài qua các bài giảng tại chùa Songwangsa ở tỉnh Jeollanam-do, các trung tâm Seon ở Seoul và nhiều tỉnh thành khác.
Khổng giáo
Khổng giáo là một tín ngưỡng đạo đức và tôn giáo du nhập từ thế kỷ thứ 6 trước CN. Về cơ bản, đó là hệ thống các kết quả của tri giác đạo đức, tình yêu nhân từ, sự trung thực, nghi lễ và sự trị vì sáng suốt được đặt ra nhằm khuyến khích và gìn giữ những nguyên tắc trị nước tề gia.
Đạo Khổng là một tôn giáo không có Chúa giống như Phật giáo thời kỳ đầu. Cùng với thời gian, những tín đồ sau này đã phong thánh những môn đồ thông thái và chủ chốt.
Đạo Khổng được truyền bá trước hết bằng những tài liệu ghi chép của người Trung Quốc vào khoảng đầu Công nguyên. Ba vương quốc Goguryeo, Baekje và Silla đều còn lưu giữ những bản ghi chép cho thấy sự tồn tại ảnh hưởng của đạo Khổng từ rất sớm. Ở vương quốc Goguryeo, một trường đại học nhà nước có tên gọi Daehak thành lập năm 372 và một số trường tư dạy đạo Khổng cũng được thành lập. Baekje đã thành lập những trường học tương tự như vậy sớm hơn.
Quốc gia thống nhất Silla đã gửi một nhóm các học giả sang triều nhà Đường - Trung Quốc quan sát trực tiếp việc dạy học ở các trường Khổng giáo và mang về hàng tập những ghi chép về các vấn đề này. Đối với triều đại Goryeo ở thế kỷ thứ 10, đạo Phật là quốc đạo của nước này và đạo Khổng là trụ cột triết lý và cơ cấu của nhà nước. Kì thi tuyển quan lại ở Gwageo, bắt chước hệ thống thi cử của Trung Quốc thế kỷ thứ 10, đã khuyến khích rất nhiều việc học tập đạo Khổng và khắc sâu vào tâm trí người Hàn Quốc những giá trị của đạo Khổng.
Triều đại Joseon, thành lập năm 1392, chấp nhận đạo Khổng là một hệ tư tưởng chính thống và rất chú ý phát triển hệ thống giáo dục, nghi lễ và việc cai trị dân chúng theo tư tưởng đạo Khổng. Khi Hàn Quốc bị các nước Tây Âu xâm chiếm, trong đó có cả Nhật vào thế kỷ 19, những người theo đạo Khổng đã tập hợp lực lượng gọi là "nghĩa quân" đứng lên chiến đấu chống lại quân xâm lược. Cũng đã có những nỗ lực đổi mới đạo Khổng cho phù hợp với sự thay đổi của các điều kiện của thời đại.
Những nhà cải cách này chấp nhận nền văn minh châu Âu và cố gắng thiết lập một chính quyền Độc lập Hiện đại. Trong suốt thời kỳ thực dân Nhật cai trị Hàn Quốc, các nhà cải cách đã khởi xướng rất nhiều phong trào đòi độc lập, đấu tranh chống lại thực dân Nhật. Ngày nay, tập tục thờ cúng tổ tiên của đạo Khổng vẫn rất phổ biến và lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ được đề cao như một đạo đức trong xã hội Hàn Quốc.
Đạo Thiên Chúa
Làn sóng các hoạt động truyền giáo của đạo Thiên Chúa vào Hàn Quốc từ thế kỷ 17, khi chư hầu đi cống nạp Trung Quốc hàng năm đem về các bản chép lại tài liệu truyền giáo của Matteo Ricci viết bằng chữ Hán. Cùng với các đạo lý của Thiên Chúa giáo, các tài liệu này còn đề cập đến những phương diện tri thức của phương tây như lịch tính theo mặt trời (dương lịch) và nhiều vấn đề khác mà các học giả nghiên cứu của Silhak - trường phái học thuật thực hành - triều đại Joseon quan tâm.
Vào thế kỷ 18, bắt đầu có một số sự thay đổi tín ngưỡng trong các học giả và trong gia đình. Không có linh mục nào đến Hàn Quốc cho tới năm 1794, khi Chu Văn Mạt, một linh mục người Trung Hoa sang Hàn Quốc. Số lượng những người thay đổi tôn giáo bắt đầu tăng lên, mặc dù việc truyền bá tín ngưỡng, tôn giáo nước ngoài trên đất Hàn Quốc vẫn bị coi là đi ngược lại luật pháp và thỉnh thoảng vẫn có những sự trấn áp đối với việc truyền bá này. Đến năm 1865, khoảng hơn một chục linh mục đã chỉ huy một cộng đồng bao gồm 23 000 tín đồ.
Cùng với sự lên ngôi năm 1863 của Daewongun, một Hoàng thân Nhiếp chính bài ngoại, sự bài trừ Thiên Chúa giáo thực sự bắt đầu và tiếp diễn đến năm 1873. Năm 1925, 79 người Hàn Quốc tử vì đạo do bị hành quyết trong triều đại Joseon đã được tuyên phúc tại thánh đường Basilica của thánh Peter ở Rome, và năm 1968 có thêm 24 tín đồ tử vì đạo nữa cũng được tuyên phúc như vậy.
Trong và sau thời kỳ chiến tranh Triều Tiên (1950- 1953), số lượng các tổ chức cứu trợ và các phái đoàn truyền giáo đạo Thiên Chúa đã tăng lên. Năm 1984, Nhà thờ Thiên chúa giáo La Mã ở Hàn Quốc đã tổ chức lễ kỉ niệm hai trăm năm ngày thành lập bằng chuyến thăm Seoul của giáo hoàng John Paul II và lễ phong thánh cho 93 tín đồ tử vì đạo người Hàn Quốc và 10 tín đồ người Pháp. Đây là lần đầu tiên lễ phong thánh được cử hành ở bên ngoài toà thánh Vatican. Với sự kiện này Hàn Quốc đã trở thành nước có nhiều thánh Thiên Chúa thứ tư trên thế giới, mặc dù sự phát triển đạo Thiên chúa về chất vẫn còn chậm.
Đạo Tin Lành
Năm 1884, Horace N. Allen, một bác sĩ người Mỹ và một người truyền giáo giáo hội trưởng lão đến Hàn Quốc. Hai người Mỹ là Horace G. Underwood thuộc cùng giáo phái trên và một người truyền đạo của Hội Giám lý thuộc nhà thờ Tân Giáo Henry G.Appenzeller cũng đến Hàn Quốc một năm sau đó. Sau họ còn có nhiều nhà truyền giáo thuộc các giáo phái của đạo Tin Lành đến Hàn Quốc. Các nhà truyền giáo đã đóng góp cho xã hội Hàn Quốc qua việc cung cấp các dịch vụ y tế và giáo dục nhằm truyền bá các triết lý của giáo phái. Những tín đồ đạo Tin Lành Hàn Quốc như giáo sư Seo ạae- pil, Yi Sang- jae và Yun Chi- ho đều là những nhà lãnh đạo độc lập nguyện cống hiến cho sự nghiệp chính trị.
Các trường tư thục của đạo Tin lành, như Yonhi và Ewha hoạt động nhằm phát huy tư tưởng dân tộc chủ nghĩa trong cộng đồng. Hội Cơ đốc giáo Thanh niên Seoul (YMCA) được thành lập năm 1903 cùng với nhiều tổ chức Cơ đốc giáo khác. Các tổ chức này rất tích cực trong các hoạt động xã hội chính trị và khuyến khích thành lập các tổ chức tương tự trong giới trẻ Hàn Quốc. Các nhóm thanh niên này không chỉ theo đuổi các sự nghiệp chính trị giáo dục mà còn thức tỉnh ý thức xã hội chống lại những tập tục mê tín và những thói quen xấu, đồng thời thúc đẩy sự bình đẳng giới, xoá bỏ tình trạng thê thiếp và đơn giản hoá các hình thức nghi lễ.
Sự lớn mạnh chưa từng có của các nhà thờ đạo Tin lành ở Hàn Quốc đã dẫn đến những hội nghị nghiên cứu kinh Thánh trên quy mô lớn năm 1905. Bốn năm sau, phong trào "Triệu linh hồn vì Chúa" bắt đầu và đã khuyến khích một sự chuyển đổi ồ ạt tín ngưỡng mới sang đạo Tin Lành. Đạo Tin Lành được mọi người chào đón nồng hậu không chỉ như một tín ngưỡng mà còn vì ý nghĩa chính trị, xã hội, giáo dục và văn hoá của nó.
Cheongdogyo
Khởi đầu, Cheongdogyo là một phong trào xã hội và công nghệ nhằm chống lại sự cạnh tranh tràn lan và xâm lấn của các trào lưu nước ngoài vào những năm 1860. Lúc đó gọi là Donghak (Đông học) để đối lập với “Tây học”.
Nguyên tắc của Cheongdogyo là Innaecheon có nghĩa con người được đồng nhất với “Haneullim”, đức Chúa của Cheongdogyo, nhưng con người không hoàn toàn giống Chúa. Mỗi người trong tâm tưởng minh đều mang “Haneullim” - đức Chúa của Cheongdogyo - và điều này là nguồn gốc của phẩm giá của mỗi con người, còn sự tu luyện về tinh thần làm cho con người đồng nhất với những điều thần thánh.
Đạo Hồi
Những người Hàn Quốc đầu tiên gia nhập Hồi giáo là những người đi sang đông bắc Trung Quốc đầu thế kỷ 20, khi Hàn Quốc còn ở dưới ách cai trị của thực dân Nhật.
Một số rất ít người cải đạo đã quay lại Hàn Quốc sau Đại chiến thế giới II nhưng họ không có chỗ để tiếp tục theo đuổi tín ngưỡng của mình cho đến khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cùng lực lượng hoà bình Liên Hiệp Quốc tiến vào Hàn Quốc chấm dứt thời kỳ chiến tranh Triều Tiên (1950- 1953) và để họ gia nhập lực lượng này.
Lễ khánh thành đạo Hồi được tổ chức vào tháng Chín năm 1955 sau khi bầu Imam (lãnh tụ Hồi giáo) đầu tiên người Hàn. Hội Hồi giáo Hàn Quốc được mở rộng và được tổ chức lại thành Liên đoàn Hồi giáo Hàn Quốc năm 1967; nhà thờ Hồi giáo trung tâm đặt ở Seoul năm 1976.
(Sưu tập: Internet)
Xem thêm: