Đi Tây Bắc ngắm “ Tứ đại đỉnh đèo”

Write By: dulichqag Published In: Việt Nam Created Date: 2016-10-11 Hits: 1613 Comment: 0

Có thể nói rằng, từ lâu "tứ đại đỉnh đèo" này trở thành huyền thoại trong lòng những người chuộng du lịch phượt. Bốn cái tên " Ô Quy Hồ, Pha Đin, Khau  Phạ, Mã Pí Lèng chắc chắn sẽ được nhắc tới mỗi khi du khách đặt chân đến vùng núi Tây Băc. Bốn đèo này không chỉ sở hữu bởi vẻ đẹp thiên nhiên mê hồn, mà còn hấp dẫn di khách  bởi độ hiểm trở khó có nơi nào sánh kịp...

1. Đèo Pha Đin – Điện Biên
“Dốc Pha Đin anh gánh chị thồ
Đèo Lũng Lô anh hò chị hát”
Đèo Pha Đin đã trở thành huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta. Đèo nằm trên quốc lộ 6, đường từ Hà Nội lên Điện Biên, ở ranh giới giữa 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên, cách thành phố Sơn La 66km.
Tên gọi đèo Pha Đin nguyên gốc xuất xứ từ tiếng Thái, Phạ Đin, trong đó Phạ nghĩa là "trời", Đin là "đất" hàm nghĩa nơi đây là chỗ tiếp giáp giữa trời và đất. 
Đèo Pha Đin có độ dài 32km và được coi là nơi tiếp giáp giữa trời và đất.
 
Người Lai Châu (nay là Điện Biên) và Sơn La từ xa xưa còn lưu truyền câu chuyện kể về cuộc bàn thảo tìm cách vạch định ranh giới của hai địa phương bằng một cuộc đua ngựa vượt dốc Pha Đin. Người và ngựa của cả hai phía đều đồng thời xuất phát từ hai dốc đèo. Hai dũng sĩ và hai con tuấn mã đều có sức mạnh và ý chí như nhau nên khoảng cách mà họ đi được cho tới địa điểm gặp nhau trên đèo không chênh lệch bao nhiêu. Tuy vậy, phần ngựa Lai Châu phi nhanh hơn nên phần đèo thuộc về Lai Châu dài hơn một chút so với phần phía Sơn La.
 
Đèo có điểm cao nhất là 1.648m so với mực nước biển và địa thế rất hiểm trở với một bên là vách núi, một bên là vực sâu. Lúc lên dốc và xuống dốc, con đường đèo ngoằn ngoèo với 8 cung đường cua hết sức nguy hiểm, bán kính đường cong dưới 15m và bên cạnh đó là vô số các khúc cua tay áo, cua chữ A, chữ Z trong đó có nhiều đoạn chỉ đủ cho một ô tô đi qua.
 
Trên lưng chừng đèo Pha Đin thường mịt mờ mây phủ, dưới chân đèo là những bản làng lác đác. Đứng trên dốc đèo phía tỉnh Điện Biên nhìn xuống du khách sẽ thấy thung lũng Mường Quài trải rộng với ngút ngàn màu xanh của đồi núi, thấp thoáng những làng bản đầu tiên của huyện Tuần Giáo. Tuy nhiên, khi lên đến gần đỉnh đèo thì hầu như không còn nhìn thấy bản làng nào mà chỉ còn nền trời xanh thẳm và núi rừng hùng vĩ như hòa quyện làm một.
Trong kháng chiến chống Pháp, một trong những tuyến huyết mạch quan trọng tiếp vận vũ khí đạn dược và lương thực cho chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) của ta đi qua đèo này, đã khiến đèo Pha Đin trở thành một biểu tượng của tinh thần gan dạ với hơn 8.000 thanh niên xung phong "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Năm 1954, nhằm chặn đứng tuyến tiếp vận này của ta, suốt 48 ngày đêm ròng rã tướng Pháp Christian de Castries đã cho máy bay oanh tạc đường số 6, trong đó đèo Pha Đin và ngã ba Cò Nòi (di tích lịch sử quốc gia ở huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) là hai nơi hứng chịu nhiều nhất lượng bom đạn đổ xuống. Trên đỉnh đèo Pha Đin hiện còn tấm bia ghi lại dấu ấn lịch sử này.
 
2. Đèo Ô Quy Hồ - Lào Cai
Ở độ cao 2.073m so với mực nước biển là con đèo Ô Quy Hồ hoang dại. Ô Quy Hồ còn có tên gọi khác là đèo Hoàng Liên do đèo vượt qua dãy núi Hoàng Liên Sơn, hoặc đèo Mây do trên đỉnh đèo quanh năm mây phủ.
 
Nằm trên quốc lộ 4D, con đèo nối liền 2 tỉnh Lào Cai – Lai Châu và đỉnh đèo cũng chính là ranh giới giữa hai tỉnh. Với độ dài 30km, Ô Quy Hồ là một trong số những cung đường đèo dài, hiểm trở và hùng vĩ bậc nhất ở vùng núi phía Bắc Việt Nam. Ô Quy Hồ được mệnh danh là “vua đèo vùng Tây Bắc”.
Tên gọi Ô Quy Hồ xuất phát từ tiếng kêu của một loài chim, gắn với huyền thoại về câu chuyện tình yêu không thành của một đôi trai gái. Bên cạnh đó, đèo Ô Quy Hồ cũng được gọi là đèo Hoàng Liên, do nó vượt qua dãy núi Hoàng Liên Sơn.
Đỉnh đèo Ô Quy Hồ nằm giữa mây núi ngút ngàn còn được gọi với cái tên Cổng Trời, vào mùa giá lạnh, đỉnh đèo có thể phủ kín băng tuyết, nhưng về mùa hè thì thường có mây bao phủ bồng bềnh, tạo nên sự hấp dẫn với du khách dù vào bất kỳ thời gian nào. Từ đỉnh đèo ngày đẹp trời, du khách có thể ngắm toàn cảnh con đường ô tô vượt đèo chạy qua núi rừng hùng vĩ, nếu trời nắng còn có thể ngắm được vẻ kiêu hùng của đỉnh Phan Xi Păng – nóc nhà của Đông Dương.
 
3. Đại đèo Khau Phạ - Yên Bái
Đèo Khau Phạ là còn đèo dài nhất trên tuyến quốc lộ 32 với độ dài trên 30 km, nằm ở khu vực giáp ranh giữa huyện Mù Cang Chải và Văn Chấn của tỉnh Yên Bái. Khau Phạ trong tiếng Thái có nghĩa là "Sừng trời", ý chỉ chóp núi nhô lên giữa mây trắng giống như một chiếc sừng. 
 
Do đèo thường mịt mù sương phủ và đỉnh đèo núi như nhô lên trên biển mây, trong tiếng dân tộc Thái, Khau Phạ có nghĩa là Sừng Trời (chiếc sừng núi nhô lên tận trời) hay Cổng Trời. Những cung đường đèo quanh co giữa những cánh rừng già còn mang đậm nét nguyên sơ và những triền ruộng bậc thang của các dân tộc H'Mông, Thái.
Khau Phạ đẹp nhất vào mùa lúa chín, khoảng tháng 9 tháng 10. Đây cũng là thời điểm mà nhiều khách du lịch mạo hiểm chinh phục đèo để ngoạn cảnh. Những cánh rừng già tại Khau Phạ còn lưu giữ được nhiều loại động thực vật quý hiếm như thông dầu, chò chỉ và các loại chim muông, thú quý hiếm khác.
 Người H'Mông coi đèo Khau Phạ là nơi linh thiêng có thể than thấu lòng trời, nên mỗi khi gặp chuyện chẳng lành, mùa màng thất bát, họ lại kéo nhau tới Khau Phạ để khấn Giàng.
 
Ngoài ra, nằm bên cung đường đèo Khau Phạ quanh co còn có những cánh rừng giá mang đậm nét nguyên sơ, lưu giữ hệ sinh thái động thực vật quý hiếm.
 
4. Đại đèo Mã Pí Lèng - Hà Giang
Đèo Mã Pí Lèng là cung đường đèo hiểm trở dài khoảng 20km vượt một đỉnh núi có độ cao khoảng 2.000m thuộc Cao nguyên Đồng Văn. Đèo nằm trên con đường mang tên Đường Hạnh Phúc nối liền thành phố Hà Giang, thị trấn Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc.
Mã Pí Lèng là tên gọi theo tiếng Quan Hỏa chỉ "sống mũi con ngựa" theo nghĩa đen. Nhưng theo nghĩa bóng tên gọi này chỉ sự hiểm trở bậc nhất của đỉnh núi, nơi những con ngựa cái leo lên đến đỉnh trụy thai mà chết, nơi dốc cao đến mức con ngựa đi qua phải tắt thở, hoặc đỉnh núi dựng đứng như sống mũi con ngựa 
 
Trước những năm 1960 hơn 8 vạn người Mèo thuộc 4 huyện ở phía sau các dãy núi hùng vĩ của cao nguyên Đồng Văn không có khái niệm con đường. Bao đời họ chỉ biết vượt Mã Pí Lèng bằng cách đóng cọc treo dây trên vách đá để bò qua chín khoanh đèo hun hút, lởm chởm đá tai mèo dựng đứng. Dốc Chín Khoanh leo tới đỉnh Mã Pí Lèng còn gọi là con dốc của Giàng (Trời). Chính nơi đây từng là giang sơn nơi Vua Mèo treo người không phục mình lên cột cho đến chết và sau vua Mèo là thổ phỉ hoành hành, lấy cán bộ mở đường làm bia tập bắn.
 
Nhằm mục đích giúp vùng núi tiến kịp vùng xuôi, năm 1959, sau 5 năm kể từ năm hòa bình lập lại ở miền Bắc Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Khu ủy Việt Bắc quyết định mở đường Hà Giang - Đồng Văn - Mèo Vạc. Con đường này, về sau mang tên Đường Hạnh Phúc, được khởi công vào ngày 10/9/1959 với sự tham gia của hàng vạn thanh niên xung phong và bà con thuộc 16 dân tộc Mèo, Tày, Dao, Pu Péo, Lô Lô... của 8 tỉnh Cao Bắc Lạng (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn), Hà Tuyên Thái (Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên), Hải Hưng, Nam Định.
Sau khi hoàn thành, Đèo Mã Pí Lèng tuy không dài nhưng là con đèo hiểm trở bậc nhất ở vùng núi biên viễn phía Bắc và cũng được ví như "vua" của các con đèo Việt Nam. Cung đường đèo ban đầu được mở chỉ đủ rộng chỗ cho người đi bộ và xe ngựa thồ, về sau được mở rộng hơn cho ô tô nhưng vẫn rất nguy hiểm vì những đoạn cua tay áo và mặt đường lổn nhổn đá hộc, hai ô tô rất khó tránh nhau.
 
Hiện, cung đường Mã Pí Lèng nối liền Đồng Văn và Mèo Vạc trong đó có đoạn đèo 9 khoanh dài 20km về sau trở thành một kỳ tích mà nhiều người ví như một Vạn Lý Trường Thành của Việt Nam hay Kim Tự Tháp của người Mèo. Trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng, cũng là nơi cao nhất của Đường Hạnh Phúc, hiện có một trạm dừng chân cho du khách ngoạn cảnh và tại đây đặt một tấm bia đá ghi lại những dấu ấn trong quá trình xây dựng đường
 
Kinh nghiệm chinh phục tứ đại đỉnh đèo.
1. Không sử dụng đèn pha để để di chuyển trong sương mù, vì đèn pha sẽ rọi vào sương mù làm hạn chế tầm nhìn của bạn. Nên sử sụng đèn cốt để di chuyển, bật đèn sương mù hoặc đèn nháy khẩn cấp để cảnh báo xe đi ngược chiều và xe sau.
2. Đối với xe máy không có đèn sương mù, có thể sử dụng giấy dán màu vàng làm tăng hiệu quả nhìn xa, hoặc đối với một số dòng xe có thể bật đèn tín hiệu bé cạnh đèn pha. Tuyệt đối không di chuyển trong sương mù nếu không có đèn trước và đèn báo đỏ phía sau.
3. Luôn đi chậm và giữ khoảng cách giữa 2 xe để có thể kịp thời xử lý tình huống. 
4. Không dừng xe giữa đường, nều dừng xe, hãy đỗ sát vào lề và luôn bật đèn báo.
5. Nên quan sát vạch sơn ngăn đường và cọc tiêu bên đường để di chuyển và không nên lạm dụng nhìn vào đèn hậu xe phía trước để chạy theo, việc này dễ dẫn đến việc không kịp xử lý.
Cuối cùng DL Quốc Anh chúc các bạn có những chuyến du lịch bình an và tuyệt vời, có thể chinh phục mọi nẻo đường...
 
 
Tags:

Tours đặc biệt của chúng tôi

Tour du lịch Sapa 3 ngày 2 đêm
Tour du lịch Đà Nẵng
Tour du lịch Nha Trang

 

Powered By ICT
CÔNG TY TNHH THƯƠNG MẠI & DVDL QUỐC ANH © 2024 by ICT Group All reversed.