Cũng giống với những đám cưới truyền thống cổ truyền của người dân Viêt Nam, đám cưới truyền thống của Hàn Quốc được tổ chức khá cầu kì với nhiều lễ nghi mang đậm bản sắc dân tộc. Nếu có điều kiện đi du lịch Hàn Quốc, du khách hãy ghé thăm một đám cưới truyền thống tại đây để có thể thấy được văn hóa vô cùng đặc sắc của người dân xứ sở Kim Chi.
Đám cưới ở Hàn Quốc thường tổ chức tại nhà cô dâu. Vào ngày song hỷ, từ cây cối, nhà cửa đến trang phục, món ăn và cách đón tiếp hết sức đặc sắc mang đậm ý nghĩa chúc phúc.
Những bạn chưa có người thương khi đi tìm hiểu, sẽ đến những điểm vui chơi để trao duyên và tỏ lời hứa hẹn. Song, kể từ khi yêu đến khi nâng chén hợp cẩn, cần khá nhiều nghi lễ tinh tế.
Lễ cưới truyền thống của Hàn Quốc bao gồm các bước sau:
+ Nhà trai sắm sửa và mang lễ vật để đặt vấn đề hôn nhân với nhà gái
+ Chọn ngày lành tháng tốt hai bên gia đình gặp nhau bàn chuyện hôn nhân
+ Nhà trai thông qua bà mối hỏi nhà gái ấn định ngày cử hành hôn lễ
+ Nhà trai mang sính lễ tới nhà gái
+ Chú rể tới nhà gái đón cô dâu về
Đám cưới ở Hàn Quốc còn được gọi là Taerye. Trước khi diễn ra lễ cưới ít ngày, nhà trai sẽ tặng quà (yemul) cho cô dâu. Những món quà này khá đặc biệt, nó thường là những tấm vải xanh và đỏ dùng để may đồ cưới truyền thống cho cô dâu, cộng thêm một chút đồ trang sức dùng trong lễ cưới. Những món quà đặc biệt này được đựng trong một chiếc hộp, còn gọi là “ham”. Trước kia những người có trách nhiệm sẽ mang những chiếc hộp này tới nhà cô dâu (thường là những người hầu), còn ngày nay thì là bạn bè chủ rể sẽ lo giúp việc này. Chiếc hộp này được mang đến nhà cô dâu vào ban đêm và khi đến gần nhà cô dâu thì người mang chiếc hộp này sẽ rao to: “Mua hộp đi! Hộp để bán đây!”, đây là tín hiệu để người nhà cô dâu ra đón nhận những chiêc hộp. Chiếc hộp chỉ được giao cho bố mẹ cô dâu khi họ tặng cho những người mang hộp đến thức ăn, rượu và lì xì. Người mang hộp đến sẽ được gia đình cô dâu khoản đãi một bữa thịnh soạn, trong khi người mang hộp tới đang dùng bữa thì bố mẹ cô dâu sẽ kiểm tra đồ bên trong chiếc hộp.
Trong lễ dạm hỏi, nhà gái mời bà mối ăn tiệc, nhà trai biếu bà mối một đôi giày và quần áo. Người ta viết ngày giờ sinh nhật của chú rể bằng mực hồng, bỏ vào trong phong bì, rồi quấn chỉ hồng điều hoặc xanh vòng quanh, ngoài phong bì bọc vải. Sau đó nhờ một người có con trai đầu lòng thay mặt nhà trai sang trao tận tay nhà gái. Cô dâu giữ gìn tờ giấy đó cho tới cuối đời. Bên nhà gái cũng chọn ngày, viết thư và nhờ một người tốt phước thông báo cho bên nhà trai biết.
Ngày cưới, chú rể mặc áo lụa, cưỡi ngựa đến xin dâu. Cùng đi với anh là đông đảo cha, chú, anh chị. Họ mang theo các đồ mừng đến tặng cô dâu: một bức thư xin cưới, nhiều súc lụa xanh đỏ, hai chiếc áo choàng và một chiếc váy. Ngoài ra, còn có đồ trang sức, chăn gối, các vật biểu trưng cho hạnh phúc lứa đôi như hạt dẻ, hồ tiêu, chỉ xanh đỏ để cầu sinh con trai và cuộc sống yên ấm. Sau khi hoàn tất các thủ tục, nhà gái trải chiếu ra trước sân và bày tiệc đãi thông gia.
Lễ cưới, chú rể quỳ trước bàn lễ. Nhà trai đưa cho anh một con ngỗng đẽo bằng gỗ, đặt lên bàn thờ. Sau đó, anh đứng lên thắp hương và vái. Con ngỗng được xem là biểu trưng cho đám cưới hạnh phúc vì loài vật này sống rất chung thủy. Khách dự lễ cưới tặng đồ mừng cho đôi vợ chồng trẻ. Họ lấy hạt dẻ và táo đút vào túi chú rể, sau này anh sẽ ăn trong phòng tân hôn. Hạt dẻ và táo có ý cầu mong hai người sẽ sinh được nhiều con trai.
Trước khi xa cha mẹ, cô gái bùi ngùi, đi vào bếp và gõ vào nắp ấm ba lần để từ biệt gia đình. Sau những phút bịn rịn, thường là cha chú hoặc anh trai sẽ đi tiễn cô và mang giúp của hồi môn. Chú rể cưỡi ngựa, còn cô dâu ngồi kiệu, những người khác đi bộ. Nhà trai rải rơm ra trước cửa nhà và đốt cháy rơm với ý nghĩa để trừ bỏ những cái gì cũ kỹ và bỏ đậu đỏ vào kiệu cô dâu nhằm đuổi tà. Kiệu hạ xuống giữa sân, chú rể vén rèm và cõng cô dâu đến thẳng phòng cưới.