Cô Sáu hy sinh ngày 23-1-1952 đã trở thành một ngày hội của người dân Côn Đảo…Gia đình nào cũng làm giỗ chị. Nhà nhà mang hoa, mang lễ ra thắp hương kín mộ chị từ sáng tới khuya. Từ một liệt sỹ anh hùng hy sinh vì dân, vì nước, để rồi trở thành một vị thần hộ mệnh của nhân dân Côn Đảo, đó là điều mà chỉ có chị - người cộng sản kiên trung bất khuất hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ mới làm được!
Hình ảnh người con gái anh hùng Đất Đỏ Võ Thị Sáu ai ai cũng biết. Chị Sáu sinh năm 1933 tại thị trấn Đất Đỏ, huyện Long Đất. Năm 1947, khi mới 14 tuổi, Võ Thị Sáu trở thành chiến sĩ trinh sát của Đội Công an xung phong Đất Đỏ. Tết Canh Dần (1950), Võ Thị Sáu tình nguyện tìm diệt bọn ác ôn chuyên vào chợ Đất Đỏ quê chị để cướp bóc. Diệt được bọn ác ôn này, nhưng Sáu lại bị bọn ác ôn khác đuổi theo, bắt được. Tháng 4- 1950, Võ thị Sáu bị giam ở khám Chí Hòa. Bọn Pháp mở phiên tòa xử chị “án tử hình” khi chưa đủ tuổi thành niên. Pháp sợ dư luận phản đối, nên chúng đưa Võ Thị Sáu ra Côn Đảo để hành quyết. Bốn giờ sáng ngày 21-1-1952, tàu chở Võ Thị Sáu cùng với 40 tù chính trị và 3 tử tù nữa vượt biển ra Côn Đảo. Ngày 23-1-1952, người tử tù nhỏ tuổi nhất ở Côn Đảo không cho kẻ thù bịt mắt, cất cao tiếng hát “Tiến quân ca”: Đoàn quân Việt nam đi. Sao vàng phất phới… Khi giặc nổ súng, Võ Thị Sáu thét lên: Đả đảo thực dân Pháp! Việt Nam độc lập muôn năm! Hồ Chủ Tịch muôn năm!
>>> Xem thêm : Lễ hội giỗ bà Phi Yến ở Côn Đảo
Bảy tên đao phủ đứng cách chị vài mét, đồng loạt nổ súng, nhưng chị không chết. Vì bọn đao phủ bị hoảng loạn, run rẩy trước ánh mắt nhìn của chị Sáu.Tên đội lê dương tức giận rút súng ngắn tiến lại, dí tận mang tai chị bóp cò. Đó là 7 giờ sáng ngày 23-1-1952, Võ Thị Sáu tròn 17 tuổi.
Đã 52 năm kể từ ngày Võ Thị Sáu hy sinh, tên chị đã thành tên nhiều đường phố, trường học ở rất nhiều thành phố, thị xã trong cả nước. Chị đã bất tử đi vào thơ ca, âm nhạc, điêu khắc. Nghiêng mình Sáu hái bông hoa ven đường / Cài lên mái tóc rối tung / Cất cao tiếng hát giữa vòng lưỡi lê… (PQ). Năm 1993, Võ Thị Sáu được Nhà nước truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tại thị trấn Đất Đỏ, đã dựng tượng Võ Thị Sáu cao 6 mét. Ở Côn Đảo, mộ chị SÁu ở Khu B được xây lại đàng hoàng hơn. Huyện Côn Đảo cũng đã xây dựng Nhà tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu trong một khuôn viên rộng, kề bên núi và biển.
>>>Xem thêm:Thiên đường du lịch Côn Đảo hoang sơ quyến rũ
Ở tượng đài Võ Thị Sáu ở Đất Đỏ, lư hương khi nào cũng có những nén hương mới thắp, khói nghi ngút suốt ngày. Ở Côn Đảo, mộ chị Sáu ngày nào cũng có người đến thắp nhang. Bà con ở chợ Côn Đảo kể rằng, trước khi đi “ăn hàng” ở đất liền phải ra vái xin chị Sáu phù hộ. Anh Bảy Oanh, một cựu tù Côn Đảo hiện là Trưởng Ban quản lý Di tích Côn Đảo kể, ở Đảo bây giờ, nam nữ thanh niên trước khi làm đám cưới thường ra Hàng Dương viếng mộ chị Sáu. Họ thắp hương, cúng gương lược, rồi lầm rầm khấn vái mong chị phù hộ cho. Hiện vẫn con vài chục gia đình công chức, gác ngục thời ấy ở lại Côn Đảo, trong nhà họ đều có bàn thờ Chị Sáu. Chị Sáu đối với họ như thần hộ mệnh! Bà con gọi chị Sáu là Cô Sáu hoặc Bà Sáu. Khi thề bồi thì người ta nói: “Thề có Cô Sáu chứng giám”. Khi mắng nhau, thì bảo: “Cô Sáu vặn cổ mày đi”! Ngày 23-1 hàng năm là ngày giỗ chị Sáu. Đây là ngày giỗ rất lớn ở Côn Đảo mà Nhà nước và nhân dân đều cùng tổ chức. Ngày giỗ, nhiều người nấu cúng ở nhà. Nhiều người mang lễ vật, hoa quả, hương đèn ra Nhà tưởng niệm. Nhiều người ở Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Cần Thơ, Đồng Tháp…, dù phải vượt biển, vẫn ra Côn Đảo giỗ chị Sáu.
Trước đây Côn Đảo lấy ngày 23/01 DL hàng năm là ngày giỗ Nữ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu theo thông số của giấy báo tử của Thời Pháp đúng thời gian Cô đã hi sinh. Nay, ở đây chúng ta dựa vào ngày ÂL 27 tháng Chạp làm ngày giỗ của Cô, theo thông tin cập nhật từ Bảo tàng Côn Đảo, bắt đầu từ năm 2010.