Trời xanh nước biếc lung linh sóng
Côn Lôn, Bảy Cạnh, Bến Đầm sâu
Cầu tàu, Cỏ Ống, Hàng Dương lặng
Chuồng cọp, Lò Vôi, miếu Yến Bà
Chia tay đồng đội nằm sương gió
Một nén tâm nhang thắp ấm lòng
Vầng trời xanh thẳm cao cao mãi
Địa ngục trần gian biển máu người
Bao tuổi thanh xuân, bao chiến sỹ
Thân ở trong lao, ý chí rèn
Coi thường gian khổ, gông tù tội
Chẳng màng danh lợi chốn phù du
Mưu cầu nghiệp lớn, lo vận nước
Sống thẳng hiên ngang, chết ngẩng đầu
Hậu thế tri ân người còn, mất
Ghi lòng, tạc dạ xứng địa linh
Hòn Trứng, hòn Tre, hòn Tài, - Ngọc
Côn Sơn, Côn Đảo một lời nguyền
Thủy chung son sắt người đồng chí
Trao lại thiên đường việc nước non./.
Bùi Ngọc Diệp
Đây là bài thơ tôi đã được đọc mà mang lại nhiều cảm xúc trong tôi nhất về Côn Đảo gắn liền với lịch sử hào hùng và là một vùng biển hoang sơ nhưng rất hùng vĩ của một vùng đất giữa biển khơi của Tổ Quốc.
>> Xem thêm: Cẩm nang du lịch Côn Đảo toàn diện từ A đến Z
Côn Đảo với diện tích rộng hơn 76km2, có 16 hòn đảo lớn nhỏ, Côn Lôn - Côn Đảo đã trở thành nhà tù lớn nhất Đông Dương. Lớp tù yêu nước đầu tiên bị đày ra đảo có các Cụ Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế và còn nhiều sĩ phu yêu nước, chiến sĩ cách mạng, nhiều người đã ngã xuống trên mảnh đất này.
Nói đến Côn Đảo, ai cũng biết nơi đây có hệ thống nhà tù khủng khiếp của Pháp, Mỹ. Hệ thống nhà tù này được người Pháp xây dựng để giam giữ những tù phạm đặc biệt nguy hiểm cho chế độ thực dân Pháp như: tù phạm chính trị, tử tù…
Côn Đảo còn có khu chuồng cọp-địa ngục của địa ngục trần gian. Nếu như thời chống Pháp, nơi đây chỉ có 120 xà lim thì sau này, bọn Mỹ-ngụy đã xây dựng thêm 384 gian chuồng cọp trên mảnh đất rộng 25.768m2. Chúng dùng khu chuồng cọp để giam những người mang án tử hình và những cán bộ thề không ly khai Đảng và chúng gọi là khu tử tù.
Tiếp đó đến thăm nghĩa trang Hàng Dương và đường Ma Thiên Lãnh. Qua thời kỳ chống Mỹ ở Hàng Dương lại có hàng mấy nghìn ngôi mộ. Từ sau ngày miền Nam được giải phóng-năm 1975, nhiều mộ đã được tôn tạo, xây cất và trước cửa nghĩa trang đã có tượng đài cao 9 mét, nặng 25 tấn bằng xi măng cốt thép. Đó là Tượng đài chiến sĩ vô danh trao lại chiếc áo tù của mình cho đồng đội trước khi vĩnh biệt cõi đời.
Ma Thiên Lãnh, cái tên nghe rùng rợn làm sao! Đó là con đường có độ dốc khá cao. Tính từ chân núi lên tới đỉnh, đường dốc dài gần 300 mét, đỉnh núi là nơi cai ngục và bọn lính ma tà có thể từ đây quan sát toàn bộ phía biển bên kia dãy núi, chủ yếu là để rình bắt những người tù vượt biển trong những mùa gió chướng.
Có con đường này, hàng trăm tù nhân đã bỏ mạng. Từ dãy núi Vườn Cam ra Đá Trắng, Mũi Đầm, đến khu rừng Bảy Cạnh, Hòn Cau và vùng biển này đã có bao nhiêu vụ đóng bè, ghép thuyền vượt biển- có những người đã hy sinh giữa biển khơi, một số về được đất liền, tiếp tục cuộc kháng chiến. Cũng có vụ vượt biển không thành công, bị địch bắt lại.
Không chỉ nổi tiếng là nơi lưu giữ những trang lịch sử hào hùng mà nơi đây còn nổi tiếng với vùng biển hoang sơ nhưng kỳ vĩ với nhiều bãi tắm tuyệt vời như bãi Đầm Trầu, bãi Đất Dốc, Bãi Cạnh, bãi Hòn Cau…Biển ở Côn Đảo có nguồn nước trong veo, xung quanh bãi tắm là những hàng dừa xanh ngắt.
Một điểm du lịch thu hút khách nữa ở Côn Đảo là Vườn Quốc Gia với diện tích gần 6.000 ha trên đất liền và 14.000 ha mặt biển với nhiều loại cây và thú quý hiếm.
Côn Đảo hôm nay đang thay da đổi thịt và có tiềm năng rất lớn về du lịch sinh thái, du lịch biển và du lịch tham quan các di tích lịch sử cách mạng.
Sưu tầm: Công ty du lịch Quốc Anh