Sỏi mầm
Nhắc đến món ăn này người ta sẽ nghĩ ngay đến Hậu Giang. Tuy nhiên nó không giống món mầm đá trong truyện Trạng Quỳnh để ăn mà chúng dùng để làm chín thức ăn. 3 – 4 viên sỏi được nung thật nóng, bày biện khéo léo trong lòng đĩa, dùng để nướng chín thịt heo rừng đã được thái mỏng, tẩm ướp gia vị như tiêu, tỏi, hành, ngò… đặt lên trên. Thịt heo phải là thịt heo rừng nuôi thả tự nhiên trọng lượng từ 5-15kg, thịt ít mỡ, phải thơm ngon. Thịt ăn kèm với rau sống, chấm mắm chanh ớt chua ngọt. Món này được bán ở một số quán thuộc huyện Phụng Hiệp.
Sà bì chưởng
Sà bì chưởng là cách gọi lái của món cơm tấm sườn bì chả, đặc sản của Sài Gòn.Đối với người Sài Gòn đó là món ăn mà họ có thể ăn không biết ngán và lại rất bình dân, hợp với túi tiền của mọi tầng lớp. Như tên gọi, nguyên liệu chính của món này là cơm, sườn, bì, chả. Trong đó cơm phải được nấu từ loại gạo tấm, được ngâm trước khoảng một tiếng, rồi vo sạch để ráo. Nấu tấm chín như nấu cơm. Khi cơm chín thì vặn lửa thật nhỏ hoặc có thể xới ra rồi cho vào xửng hấp để giữ nóng., sườn heo tẩm ướp chua ngọt sau đó đem nướng, hỗn hợp trứng, thịt heo xay, bún tàu cắt nhỏ, nấm mèo, hành lá và các gia vị được trộn đều tay rồi cho vào nồi hấp chín. Mấu chốt để ra được một mẻ trứng ngon là phải giữ nồi hấp trên ngọn lửa vừa phải. Riêng bì heo sẽ được nấu nước sôi cho hết mỡ, vắt ráo, trộn với thính và các loại gia vị, ăn chung với cơm tấm. Khi thưởng thức bạn sẽ cảm nhận được bì hơi dai và sần sật. Ngoài ra món còn có thêm chút mỡ hành, ít miếng dưa leo, cà chua hay đồ chua được làm từ cà rốt, củ cải, dưa leo, dưa muối đôi khi là đu đủ. Món này bán ở nhiều nơi trong Sài Gòn, bất kể sáng hay đêm. Người Sài Gòn cho rằng, món này ăn ngon nhất lúc nửa đêm hoặc về sáng trong không gian tĩnh mịch giữa lòng thành phố hối hả. Vậy nên nếu có dịp vào Sài Gòn, bạn đừng quên thưởng thức món ăn đặc trưng này nhé!
Cơm âm phủ
Tên món cơm khiến nhiều người nghĩ đến cõi âm. Có nhiều cách lý giải tên gọi này, trong đó có tài liệu ghi cơm âm phủ do một doanh nhân thuộc vào hàng vọng tộc là Tống Phước Kỷ sáng kiến mở ra hồi đầu thế kỷ XIX. Cũng có tương truyền rằng, khi vua vi hành, gõ cửa nhà một bà góa để xin cơm. Do cảnh nghèo, bà chỉ có thể dọn ra cơm trắng, rau cải nhưng vua đói nên ăn hết ngon lành. Từ đó vua gọi là cơm âm phủ. Cơm ngon phải nấu bằng gạo An Cựu. Thường món sẽ có cơm trắng đặt giữa đĩa, xung quanh có thịt ba rọi, chả lụa Huế, tôm, nem Huế nướng, trứng tráng, rau thơm, dưa leo…tạo thành 7 màu rực rỡ. Món này được bán nhiều ở Huế.
Chè bột lọc heo quay
Cũng là đặc sản của xứ Huế, nhiều người nghe tên lần đầu bỡ ngỡ không rõ đây là món mặn hay ngọt. Như tên gọi, chè có thành phần chính là bột lọc nhồi thịt quay, thả vào nước gừng đường như chè trôi nước, khi ăn bạn vừa cảm nhận được vị ngọt của chè qua lớp vỏ dai dai vừa có vị béo mặn mặn của thịt heo quay hết sức đậm đà và lạ miệng. Du khách có thể thưởng thức món này ở quán chè trước cửa Thượng Tứ hay các chợ.
Bánh gật gù
Tên bánh mang nghĩa tượng hình, bởi khi cầm trên tay bánh mềm, dẻo ngả về nhiều phía như người gật gù. Đây là đặc sản nổi tiếng của Tiên Yên, Quảng Ninh, có hương vị gần giống bánh phở. Công đoạn tạo ra mẻ bánh khá cầu kỳ: Gạo được ngâm từ tối hôm trước, đến sáng hôm sau vớt ráo mới nghiền thành bột nước. Khá lạ ở chỗ trong lúc nghiền bột người dân thường cho thêm cơm nguội để khi tráng bánh có độ phồng, xốp, dẻo mịn mà các loại bánh cùng loại không so sánh được. Ăn bánh "gật gù" đúng kiểu phải ăn kèm với thịt gà Tiên Yên, chấm nước sốt làm từ thịt băm, mỡ, hành, cà chua, rau thơm chưng lên. Khi ăn không dùng đũa mà dùng không để cầm bánh chấm nước sốt. Bánh ăn vào mùa đông và ăn lúc nóng hổi thì rất thú vị
Pa pỉnh tộp
Món này theo tiếng Thái nghĩa là cá gập nướng. Nguyên liệu chính là cá suối như cá chép, xát muối ướt để khử tanh, mổ dọc sống lưng. Các loại gia vị băm nhỏ và trộn đều gồm mắc khén, gừng, tỏi, sả, hành, ớt… được nhồi vào bụng cá. Sau đó cá được gấp đôi nướng trên than hồng. Món này ăn kèm cơm nếp thì càng ngon và được coi là đặc sản của Tây bắc nói chung và Sơn La nói riêng.
Cháo ấu tẩu
Ấu tẩu là tên loại củ có độc tố mạnh, có vẻ ngoài giống củ ấu. Nhưng nếu biết cách chế biến, nó sẽ có tác dụng chữa bệnh, giải cảm. Bằng cách ngâm nước gạo và ninh đến khi bở tơi, nấu cùng gạo tẻ, nếp cái, nước hầm chân giò, rắc rau thơm, thịt nạc băm, người dân Hà Giang đã có món đặc sản đãi khách. Cháo có vị đắng, ăn ngon nhất khi trời lạnh.