Người Tày sống chủ yếu dựa vào canh tác lúa nước và chăn nuôi trồng trọt. Theo quan niệm của người Tày, được mùa hay mất mùa phụ thuốc rất lớn vào các vị thần nông nghiệp, bởi vậy bà con rất coi trọng các nghi thức tín ngưỡng nông nghiệp với mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Theo đó, nghi thức tín ngưỡng cầu mùa rất được coi trọng. Lễ hội Nàng Hai hay còn gọi là lễ hội Cầu mùa là một trong những lễ hội dân gian truyền thống của đồng bào dân tộc Tày ở Cao Bằng. Lễ hội diễn ra vào dịp đầu xuân, gắn với tín ngưỡng phồn thực của người Việt cổ, với ước mong về mùa màng tươi tốt, con người sinh sôi nảy nở. Hiện lễ hội này vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn tại xã Tiên Thành (huyện Phục Hòa) và xã Kim Đồng (huyện Thạch An).
Lễ hội Nàng Hai là loại hình diễn xướng dân gian tổng hợp các hình thức múa, hát, nhạc trong không gian bản làng, phục vụ cho nghi lễ cầu phúc, cầu mùa. Lễ hội gồm 3 phần: lễ đón Hai, lễ cầu Hai và lễ tiến Hai. Mỗi một phần nghi lễ sẽ có những lễ vật khác nhau.
Nghi lễ đầu tiên là lễ đón Hai. Tại lễ này, thầy bụt (thầy cúng) sẽ ra miếu thổ công để xin thổ công mời Mẹ Trăng xuống trần gian. Khi thầy bụt bắt đầu lầm rầm khấn vái chính thức mời Mẹ Trăng xuống trần gian giúp dân việc đồng áng và cầu phúc cho dân bản, 12 cô gái được chọn đóng làm 12 nàng Hai cũng sẽ bắt đầu múa hát theo lời thầy bụt. Và kể từ giờ phút đó, các cô được xem như đã trở thành nàng Hai xuống giúp cầu mùa, cầu phúc cho dân bản.
Nghi lễ thứ hai là lễ cầu Hai được diễn ra tại hai nơi là miếu thổ công và lán Hai. Trong phần lễ này, thầy bụt sẽ lần lượt làm lễ cúng 12 mẹ Trăng, với đại diện là 12 cô gái tượng trưng cho 12 Mẹ Trăng, tượng trưng cho 12 tháng âm lịch trong năm. Theo quan niệm của người Tày, mỗi Mẹ Trăng sẽ trông coi việc cầu phúc và mỗi phần việc đồng áng khác nhau.
Nghi lễ cuối là lễ tiến Hai. Đây là nghi lễ khá quan trọng, thu hút nhiều người dân ở các vùng lân cận tới dự. Lễ tiến Hai thể hiện sự quyến luyến của các Mẹ Trăng và các nàng Hai trước lúc về trời, với những lời hát dặn dò và lời hẹn ước sẽ gặp lại năm sau, thể hiện niềm tin mãnh liệt của cộng đồng dân bản vào sự phù hộ của Mẹ Trăng gắn với ước mong tốt đẹp về cuộc sống bình yên, no ấm, của đồng bào Tày nơi miền sơn cước.