Tục Tiễn Ông Táo Về Trời Của Người Việt

Write By: text_none_author Published In: Việt Nam Created Date: 2018-01-23 Hits: 934 Comment: 0
Hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp Âm lịch, người dân cả nước lại chuẩn bị lễ tiễn ông Táo về trời để báo cáo mọi việc trong gia đình với ngọc hoàng trong ngày hội Táo quân.
Lễ cúng ông Táo cũng là lễ khởi đầu trong dịp Tết âm của dân tộc. Bắt đầu từ ngày này, không khí Tết sẽ rộn ràng khắp nơi nơi. Mọi người dù ở xa cũng bắt đầu trở về nhà sum họp gia đình, quây quần bên nồi bánh chưng đang sôi trên bếp lửa và kể nhau nghe những chuyện đã qua trong năm.
 
NGÀY HỘI TÁO QUÂN
Táo quân có nguồn gốc từ ba vị thần là Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được người Việt chuyển hoá thành sự tích hai ông một bà là vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Từ ngàn xưa, người dân nước ta đã có tín ngưỡng với Táo quân và luôn thờ cúng ông Táo với hy vọng vị thần này sẽ giúp bếp nhà mình luôn luôn đỏ lửa, gia đình luôn đủ đầy, ấm no và hạnh phúc. 
Người dân ta vẫn quan niệm, gian bếp vô cùng quan trọng trong nhà. Gian bếp chính là nơi thể hiện gia đình có đủ đầy, yên ấm, mọi người có gần gũi với nhau hay không. Chính vì vậy, bếp chính là trung tâm của ngôi nhà, là nơi thể hiện cách sống, cách nghĩ của các thành viên trong gia đình.
Ông Táo quanh năm ở trong bếp nên biết hết tất cả mọi chuyện tốt xấu của mọi người trong gia đình. Ông Táo cũng là vị thần cai quản mọi hoạt động của gia chủ, ông quyết định sự may, rủi, phúc họa của cả gia chủ, bên cạnh đó ông còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ, giữ bình yên cho gia đình gia chủ. Vì vậy để cho vua bếp luôn phù hộ cho gia đình sang năm mới gặp được nhiều điều may mắn, người dân đã làm lễ tiễn đưa ông Táo về trời chầu ngọc hoàng báo cáo chuyện năm cũ và xin may mắn năm mới.
Lễ tiễn ông Táo về trời chậm nhất cũng phải diễn ra trước 12h trưa ngày 23-12 âm lịch. Đến đêm giao thừa nhà nhà sẽ lại làm lễ rước ông Táo về lại nhà để ông chăm nom cai quản nhà cửa và phù hộ cho gia chủ một năm mới mạnh khỏe, đầm ấm và an vui.
 
LỄ VẬT TIỄN ÔNG TÁO VỀ TRỜI
 
Mâm cỗ tiễn ông Táo về trời thường có xôi gà, chân giò luộc, các món canh và đồ xào. Và cũng tùy từng gia đình mà món cúng sẽ có sự thay đổi. Khi cúng ông Táo, mâm cỗ cúng phải đặt trong bếp hoặc cạnh bếp. Có nhà còn làm hai mâm cỗ, một mâm đặt trong bếp và thêm một mâm khác cúng trên bàn thờ. Mâm cỗ đề huề tượng trưng cho sự no ấm quanh năm của cả gia đình. Có gia đình chỉ cúng trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc... để tiễn ông Táo.
 
VĂN KHÂN ÔNG TÁO VỀ TRỜI
 
Con kính lạy ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân.
Tín chủ chúng con là: …………
Ngụ tại: ………………………….
Hôm nay là ngày 23 tháng Chạp, tín chủ chúng con thành tâm, sắp sửa hương hoa vật phẩm, xiêm hài áo mũ, kính dâng Tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái. Chúng con kính mời ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án thụ hưởng lễ vật.
Phỏng theo lệ cũ, ngài là vị chủ, ngũ tự Gia Thần, soi xét lòng trần, Táo quân chứng giám.
Trong năm sai phạm, các tội lỗi lầm, cúi xin Tôn thần, gia ân châm chước. Ban lộc ban phước, phù hộ toàn gia, trai gái trẻ già, an ninh khang thái.
Dãi tấm lòng thành cúi xin chứng giám.
– Phục duy cẩn cáo!
 
 
 
Tags:

Tours đặc biệt của chúng tôi

Tour du lịch Sapa 3 ngày 2 đêm
Tour du lịch Đà Nẵng
Tour du lịch Nha Trang

 

Powered By ICT
CÔNG TY TNHH THƯƠNG MẠI & DVDL QUỐC ANH © 2024 by ICT Group All reversed.